Dấu hiệu và triệu chứng Gãy xương gót

Triệu chứng thường thấy nhất là đau chói ở vùng gót chân, nhất là khi sờ ấn hay bóp. Bệnh nhân thường có bệnh sử chấn thương gần đây vào vùng gót hoặc té cao. Các triệu chứng khác gồm: bất lực tỳ đè chân bệnh, hạn chế cử động bàn chân, và đi khập khiễng. Khi thăm khám có thể thấy các dấu hiệu phù nề, đỏ, và tụ máu. Khối máu tụ lan đến gan chân được gọi là "dấu Mondor" và đây là dấu chỉ điểm của gãy xương gót.[3][4] Vùng gót cũng có thể bè ra và phù nề do sự di lệch của thành ngoài xương gót. Tổn thương mô mềm kèm theo cần được đánh giá do có sự liên quan đến những biến chứng nặng (xem bên dưới).[5][6]

Các biến chứng

Đánh giá tổn thương mô mềm xung quanh là khía cạnh quan trọng nhất của thăm khám lâm sàng do sự ảnh hưởng của nó đến kết cuộc bệnh lý.[6][7] Phỏng nước, bóng nước nếu có có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát nếu không được chú ý điều trị sớm, biến chứng này có thể dẫn đến bệnh viêm cân hoại tử tiến triển hay viêm tủy xương, gây tổn thương vĩnh viễn cơ bắp và xương. Các tổn thương dây chằng và gân xung quanh cũng cần được kiểm tra. Chấn thương gân A-shin (gân gót) có thể có trong gãy xương gót phía sau (Kiểu C). Do gãy xương gót thường do té cao, các chấn thương cùng do nguyên nhân này cần được đánh giá. Gãy lún cột sống xảy ra trong khoảng 10% số bệnh nhân gãy xương gót.[8] Bệnh nhân cần được tiếp cận lâm sàng theo hướng chấn thương; tổn thương cẳng chân, gối, đùi, háng, và đầu cần được loại trừ bằng bệnh sử và thăm khám lâm sàng.